Trang

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Viết tiếp câu chuyện chân-tay-miệng

Người giàu là não, người nghèo là chân tay. Não sáng suốt, thân thể cường tráng.
Trong chúng ta, hẳn ai cũng biết câu chuyện ngụ ngôn về sự tị nạnh của các bộ phận trên cơ thể. Câu chuyện “chân-tay-miệng”. Sau sự cố tị nạnh, các “anh chị” chân-tay-miệng,…rút ra bài học về sự liên kết của các bộ phận với nhau, họ lại sống vui vẻ như trước. Câu chuyện đến đó kết thúc. Và bài học được mọi người rút ra cho con người là “ bài học về các mối quan hệ giữa các thành viên trong xã hội, trong xã hội mọi người được phân công mỗi việc, ai cũng có vai trò của họ, chứ không phải ăn bám”.  Mọi việc chỉ dừng lại ở đó. Ít ai biết là có một câu chuyện kỳ thú không kém xảy ra sau đó. Tôi xin kể hầu các bạn.

Sau một thời gian đoàn kết, vui vẻ làm ăn, sống gắn bó nhau, bỗng một ngày, họ ngồi lại với nhau than vãn cuộc sống; làm hoài mà vẫn “nghèo đói”, “không đủ ăn”, vất vả. Họ hỏi nhau để tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao cuộc sống mình khốn khổ đến vậy”. Cả nhóm suy nghĩ về cuộc sống, về công việc, về thành quả và hưởng thụ. Bàn luận mãi cũng không tìm ra nguyên nhân. Bác tai, người được cho là thông thái vì nghe nhiều, biết nhiều. Chuyện đông tây, kim cổ, chuyện quá khứ, hiện tại bác đều biết. Bác  đằng hắn mấy tiếng ra vẻ bí hiểm để mọi người im lặng, chú ý. Được cho là thông thái nên lâu nay, ý kiến bác luôn được lắng nghe. Bác cất tiếng đều đều “lần trước chúng ta tị nạnh nhau, nhưng thật ra chúng ta đều là người lao động cả, đúng ra chúng ta phải đoàn kết yêu thương nhau. Chuyện trước kia thật đáng tiếc, nhưng nhờ thế mà hiểu nhau hơn. Tôi ngày đêm nghiên cứu, nghiền ngẫm, lục trong thư tịch để lại, nay thấy ra một chân lý, muốn nói anh em biết. Sở dĩ chúng ta vất vả, làm nhiều hưởng ít là vì có kẻ cướp đoạt công sức chúng ta, lý luận biện chứng là bóc lột, bóc lột tàn bạo. Kẻ đó rất thông minh, nham hiểm nên lâu nay chúng ta không nhận ra”.
Cả nhóm nhao lên vẻ đầy uất hận, căm thù “ai, ai, tên khốn nào, tên khốn nào”. Khí thế như bùng nổ sau bao uất hận, vất vả lâu nay dồn nén. Bác tai tuyên bố hùng hồn “đó là lão não, lão ta không làm gì hết, còn ở nhà kiên cố, mưa không tới chân, nắng không tới đầu. Dinh dưỡng thì được cung phụng 24/24 dù chúng ta có đói mốc, đối meo. Lão là kẻ ẩn mặt, nham hiểm, cướp đoạt công sức anh em chúng ta. Chúng ta cần đoàn kết lại để đào mồ chôn lão xấu xa này”. Lời bác tai từng tiếng, từng tiếng vang lên đanh thép như lời buộc tội thay của bao kiếp tay chân ngàn năm vất vả. Cả đám như bừng tỉnh, như ngộ ra chân lý mấy ngàn năm. Dưới sự soi sáng chân lý của bác tai và lòng căm hận; cả nhóm đã hò nhau, dùng hết sức lực đánh vào đầu. Hô vang khẩu hiệu “đào tận gốc, trốc tận rễ” cho hả cơn căm giận. Hỡi ôi, cả nhóm đâu biết rằng tiêu diệt xong lão não, cả bọn được niềm vui ngắn chẳng tày gan, sau đó là những tháng ngày sống lê lếch, què quặt khốn đốn của cơ thể bị bại não.
Đó hoàn toàn là một câu chuyện tiểu lâm, mang tính ngụ ngôn kể theo tưởng tượng của tôi, nhưng nếu ngẫm kỹ, nó đúng với một bài học của nhân loại. Bài học của phong trào cộng sản quốc tế.
Khởi thủy cuộc cách mạng công nghiệp, lòng tham dẫn lối con người lao vào kinh doanh, lao vào lập nhà máy, thuê mướn công nhân, sản xuất hàng hóa, buôn bán lừa đảo,…với mục tiêu tối thượng là làm giàu. Giàu có là một giấc mơ về một thiên đường có thật, giấc mơ của bất cứ ai, bất cứ người nào. Lòng tham chạy trước như một con ngựa bất kham mà dây cương chưa kịp buộc đã gây ra nhiều thảm họa cho xã hội. Giới công nhân bần cùng, khốn đốn trong các khu ổ chuột, giới nông dân bị mất đất, kiệt quệ. Trong tình cảnh khốn cùng, tuyệt vọng, họ được trí tuệ Các Mác soi đường, chỉ lối: tiêu diệt giới chủ, giới trí thức để xây dựng nhà nước công nông, xây dựng thiên đường XHCN. Sức mạnh của triệu con người khốn khổ với lòng thù hận và giấc mơ về một thiên đàng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” như một dòng thác đổ từ đập cao trăm mét đã cuốn phăng những gì nó cho là cản trở đường đi tới thiên đàng của nó. Đây quả là một cuộc cách mạng trời long đất lở của nhân loại, giấc mơ về thế giới đại đồng, nhuộm đỏ cả hành tinh với giấc hoan ca vĩ đại của lớp cần lao: vô sản toàn thế giới đoàn kết lại, đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Màu đỏ đã bao phủ từ Âu sang Á qua Mỹ la tinh.
Họ đâu biết rằng, xã hội cũng như một cơ thể, những thành phần ưu tú: giới doanh nhân, trí thức như não bộ. Xã hội chỉ có thể thịnh vượng khi tầng lớp này mạnh. Một ông chủ giàu có, có thể mang lại cuộc sống ấm êm cho bao người làm công ăn lương. Chủ thuyết của Mác đưa đến xã hội toàn “chân tay” không có cái đầu, khác nào một cơ thể bị bệnh bãi não. Cũng may mà chỉ một nửa nhân loại trong cơn say đã dùng tay đánh vào đầu, thân tàn ma dại, còn hơn phân nửa vẫn tỉnh táo nhận ra đâu là chân lý, đâu là ảo giác. May phước cho loài người, nếu ngày đó nhuộm đỏ hết hành tinh theo giấc mơ của Mác, chắc có lẽ chúng ta sẽ phải xóa bài làm lại. Bắt đầu bằng việc mò mẫn đi lại đêm trường trung cổ mà người dân châu Âu đã đi trước khi có phong trào phục hưng, khai sáng đưa họ đi trước nhân loại trên đường hướng đến văn minh, hạnh phúc thật sự.
Từ triết lý này đưa chúng ta đến nhận thức rằng, cách mạng không phải là đấu tranh giai cấp, giai cấp này tiêu diệt giai cấp kia để giành quyền sống cho mình. Cách mạng là cuộc vận động xã hội để cải biến, xóa bỏ bất công, tạo ra cuộc chơi mang lại công bằng hơn cho mọi người: "làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu". Trong cơ thể, não bộ là quan trọng nên nó hoàn toàn xứng đáng được bảo vệ, được cung cấp dinh dưỡng tốt nhất, có như vậy thân thể mới khỏe mạnh, cường tráng, suy rộng ra trong xã hội, tầng lớp tinh hoa luôn tồn tại và họ xứng đáng được hưởng thụ cao hơn tầng lớp bình dân.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét