Trang

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Lòng dân chọn chủ nghĩa cộng sản


Lòng dân không phải lúc nào cũng đúng
Ở các nước tư bản, với nền chính trị đa nguyên, thông qua lá phiếu người dân, một đảng có thể chiếm đa số quốc hội và lãnh đạo họ là nguyên thủ quốc gia. Đảng đó nắm quyền hoàn toàn là do ý nguyện, lòng dân. Có một trớ trêu là không phải lúc nào lòng dân cũng đúng. Lịch sử các nước cho thấy rất nhiều lần dân chúng chọn sai đảng và đưa những tên gian hùng chính trị lên chiếc ghế quyền lực, nhưng họ sẽ sửa sai ở lần bỏ phiếu sau. Đảng và vị nguyên thủ đó bị hạ bệ. Điều gì sẽ xảy ra nếu một đảng nào đó nhân lúc dân bầu cho mình ở thế quá bán liền họp quốc hội sửa hiến pháp thông qua điều 4 ghi đảng mình được độc tôn lãnh đạo vĩnh viễn? Thật buồn cười đúng không? Vì sao vậy? Vì đây là một hành động tiếm quyền phi pháp.

Đảng cộng sản thường tuyên bố nhân dân đã chọn đảng cộng sản, tôi nghĩ họ nói đúng chứ không phải là rêu rao hay ngụy biện. Bài này chúng ta thử phân tích những yếu tố lịch sử để đưa đến việc nhân dân “bỏ phiếu” cho ĐCS nắm quyền.
Những dữ liệu giải mật gần đây cho ta thấy phần nào sự gian dối của các lãnh tụ ĐCS so với những gì họ công bố, họ tuyên truyền. Điều này cũng không có gì phải ngạc nhiên. Binh pháp Tôn Tử đã chỉ rõ việc chính trị, quân sự nhiều khi phải giả trá mới thành công. Ngày nay có một câu hay hơn “chính trị là nghệ thuật của những điều có thể”. Rõ ràng phe này có nghệ thuật thì chắc chắn phe kia không thể ngồi yên, cũng sẽ phải đầy mưu mẹo. Theo triết lý trị quốc: lãnh đạo là thuyền, dân là nước. Chính nước mới đẩy thuyền đi. Thuyền đi trên sông, phải biết xu hướng nước chảy để theo đó mà đi, xưa nay rất hiếm trường hợp thuyền đi nghịch dòng mà thành công (cha con Vua Hồ Quý Ly đã đi nghịch dòng nên thất bại).
Vậy dòng sông năm xưa chảy theo hướng nào mà đưa con thuyền cộng sản đi? Phải công nhận một điều là lịch sử VN giai đoạn 45-75 đầy biến động, đầy ảo thuật, đầy mánh khóe của các lực lượng tham gia tiến trình lịch sử. Các màn ảo thuật về pháp lý được các bên tung ra cốt làm sao tính chính danh thuộc về phe mình. Dù thực tế có thể là xâm lược, giải phóng, tay sai cho thực dân, tay sai cho quốc tế cộng sản,…nhưng về mặt hình thức các bên luôn cố gắng ảo thuật: đổi tên, dựng bù nhìn, hô khẩu hiệu cốt sao có tính chính danh. Vì điều đó mà đây là giai đoạn đầy tranh cãi trong lịch sử Việt Nam, phe nào cùng dành cái lý về phe mình. Bài viết này không có ý định đi chứng minh hay ủng hộ phe nào chính nghĩa, phe nào phi nghĩa. Điều tôi muốn là đi tìm câu trả lời: tại sao cộng sản giành thắng lợi ở Việt Nam? Điểm qua vài nét tình hình trong nước, và thế giới lúc bấy giờ
Tình hình trong nước: đất nước bị đô hộ bỡi giặc Pháp và Vua nhà Nguyễn  bù nhìn, nhân dân một cổ hai tròng lầm than. Đỉnh điểm của lầm than là phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương gây ra nạn đói Ất Dậu với 2 triệu người chết. Để đồng bào chết đói nhiều như vậy, Vua nhà Nguyễn không còn xứng đáng để lãnh đạo nhân dân. Tất cả những chính phủ do chính quyền thực dân Pháp-Nhật nặn ra đều là chính quyền tay sai cho ngoại bang. Từ thực tế đất nước như vậy nên người dân  không có thiện cảm và không ủng hộ những gì dính dáng đến Pháp vì đó là hình ảnh của sự quay trở lại đô hộ. Chớp thời cơ Nhật đầu hàng, Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân giành lấy chính quyền. Chính phủ đoàn kết dân tộc ra đời bao gồm nhiều đảng phái. Mặt trận Việt Minh tuy là liên minh tất cả các lực lượng, đảng phái yêu nước ở Việt Nam để đánh đuổi Pháp-Nhật giành độc lập cho đất nước nhưng nó do ĐCS lập ra và lãnh đạo. Như vậy công ĐCS trong việc này là lớn và cần ghi nhận.
Tình hình quốc tế: Sau chiến tranh thế giới hai, thế giới chia làm hai phe rõ rệt: phe cộng sản, đứng đầu là Liên Xô; phe tư bản, đứng đầu là Mỹ. Hai thế lực, hai ý thức hệ chính trị này chi phối cả thế giới. Các quốc gia muốn có sự ủng hộ, trợ giúp thì hoặc đứng phe này, hoặc đứng phe kia. Rất hiếm quốc gia theo trung lập thành công. Với vị trí VN thì không thể trung lập được, chỉ có thể chọn một trong hai. Việc lựa chọn đó dẫn đến việc đấu tranh nội bộ ở Việt Nam. Cuộc đấu tranh này ngoài việc lãnh tụ các phe phái đấu nhau qua cuộc thâu tóm, thanh trừng tổ chức Việt Minh của ĐCS để nó thành duy nhất của mình mà còn diễn ra trên chiến trường ở hai lực lượng: Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội quốc gia Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam được phe cộng sản chống lưng; quân đội quốc gia Việt Nam được phe tư bản chống lưng. Trong tiến trình lịch sử vừa thoát ách nô lệ của Pháp, mà Pháp lại là phe tư bản nên dân chúng ủng hộ quân đội nhân dân Việt Nam của Cộng sản là điều dễ hiểu. Thực tế chiến trường chứng minh là quân đội nhân dân Việt Nam luôn tuyển quân được nhiều hơn, dân công tình nguyện động hơn, tinh thần chiến đấu cao hơn, tỷ lệ đào ngũ thấp hơn bên kia dù điều kiện chiến đấu thiếu thốn, gian khổ và hy sinh nhiều hơn. Dân ủng hộ Cộng sản ngoài tâm lý ghét giặc Pháp còn vì chủ thuyết cộng sản. Một chủ thuyết bênh vực cho dân nghèo với giấc mơ hấp dẫn về thiên đường XHCN. Phần lớn dân ta lúc đó nghèo khổ, bần cùng nên chọn nó.
Theo phe nào thì phải chấp nhận chủ thuyết phe đó. Theo cộng sản thì phải diệt hết các đảng khác, phải chuyên chính một đảng cộng sản lãnh đạo. Điều nghiệt ngã của dân tộc ta là ở chỗ này. Lựa chọn một đường đi mà ở đó có tính độc đoán, buộc phải sống chết với nó tới cùng.
Trong lúc tranh tối, tranh sáng của thời đại và sự thúc bách của lịch sử lúc đó, sự lựa chọn của nhân dân như vậy là hợp lý và dễ hiểu. Chính vì lựa chọn đó mà dân tộc ta trong thế kỷ 20 đã phải vượt bao thác ghềnh khủng khiếp, phải trả giá bằng xương máu của cả dân tộc.
Trên quả địa cầu này, bất cứ dân tộc nào rơi vào hoàn cảnh xuất phát và tình thế lựa chọn như trên đều chọn như ta. Dân tộc Trung Hoa vĩ đại cũng vậy, họ đã chọn dòng chảy do Mao dẫn lối mà từ chối Tưởng Giới Thạch, để rồi chính họ phải trả qua những con thác khủng khiếp nhất của nhân loại, họ để lại gần 100 triệu nhân mạng trên đường đi và hôm nay vẫn còn gánh chịu những hậu quả của việc lựa dòng năm xưa.
Kết luận: Sự lựa chọn của đám đông dân chúng luôn là động lực chính để một xã hội, một đất nước tiến lên. Sự lựa chọn đó có thể do yếu tố khách quan hoặc chủ quan chi phối mà có thể dẫn đến sai lầm. Đám đông không phải lúc nào cũng đúng. Ngày xưa, dân tộc Việt Nam và nhiều dân tộc khác đã “bỏ phiếu” cho chủ nghĩa cộng sản cũng là nằm trong số đó. Đây là điều hoàn toàn dễ xảy ra ở loài người, con người không phải là thánh, do vậy mà các nước văn minh không cho phép đảng nào độc quyền lãnh đạo, không cho phép cá nhân hay tổ chức nào độc quyền chân lý. Đây chính là tính khoa học của một chế độ chính trị đa nguyên, bầu cử tự do và một nền báo chí và xuất bản không bị kiểm duyệt.
Nhìn lại tình hình đất nước hiện nay, cái tai họa ở đây là chủ nghĩa cộng sản đã không cho dân có cơ hội chọn lại, điều mà người dân có thể và có quyền ở thể chế được rêu rao là giãy chết: tư bản. Chính quyền được chọn lại để sửa sai là điều tuyệt vời ở các xứ tư bản xấu xa mà Mác và các học trò của mình không bao giờ thấy hoặc không muốn thấy.

K.s Nguyễn Văn Thạnh

Nhân bài viết này xin bàn thêm một điều mà lâu nay ta hay nghe: ĐCS nhiều lần tuyên bố “chủ nghĩa Mác Lê Nin là chủ nghĩa khoa học; bách chiến, bách thắng”. Nhiều người nói rằng họ bốc phét theo kiểu thắng làm vua thua làm giặc. Dưới góc nhìn của tôi điều họ nói là đúng hoàn toàn chứ không phải huênh hoang. Tôi xin phân tích để ngõ hầu giúp quí vị có thêm góc nhìn.
Chủ nghĩa Mác Lê Nin là chủ nghĩa khoa học: điều này họ nói là đúng. Dựa vào nguyên lý lòng tham và vận hành chủ nghĩa tư bản qua tiền tệ với mục đích tối thượng là lợi nhuận thì tất cả những luận điểm do chủ thuyết Mac-Lê đưa ra là hợp logic lý luận, có tính khoa học duy vật biện chứng. Một số hiện tượng xảy ra trong thực tế: cạnh tranh thâu tóm, chiến  tranh đế quốc,…như là những kết quả kiểm nghiệm cho lý thuyết đó. Việc này là giống với khoa học tự nhiên, khi các nhà bác học phát hiện ra các nguyên lý. Từ nguyên lý họ xây nên lý thuyết và dùng thực nghiệm để kiểm nghiệm. Nếu thực nghiệm đúng thì lý thuyết là OK. Sau này thực nghiệm sai thì phá bỏ xây dựng lý thuyết mới. Các môn khoa học: Lý, Hóa, Sinh,…có nhiều lý thuyết lớn như lượng tử, hạt nhân, điện từ, nguyên tử, thuyết di truyền,….đều phát kiến theo qui trình khoa học như vậy.
Rõ ràng thuyết Mác Lê có tính khoa học rất cao dựa trên logic của lòng tham và dự liệu thực nghiệm đã kiểm chứng một phần. Nhưng thượng đế đã chơi khăm nhân loại. Nó lại là logic của cái sai và dự liệu thực nghiệm nó chỉ đúng ở giai đoạn đầu và một số lại ngẫu nhiên xảy ra đúng cho những tiên đoán lớn (chiến tranh đế quốc-chiến tranh thế giới) nhưng sau đó nó sai hoàn toàn. Xin tham khảo bài viết này: http://ksnvthanh.blogspot.com/2012/07/con-uong-cua-marx.html
  Chủ nghĩa Mác Lê là bách chiến, bách thắng: điều này là có cơ sở khoa học. Xưa Tôn Tử dùng nữ nhi cung đình yểu điệu luyện binh với phép dụng hình khốc liệt: chém đầu mà tạo sức mạnh phá được đội quân nam nhân. Sau khi luyện xong, Tôn Tử trình Vua với lời tâu rằng “bệ hạ có thể ra lệnh, nó có thể vì ngài mà nhảy vào lửa”.
Đội quân công nông non trẻ của nhà nước vô sản đã đánh bại liên quân 14 nước hùng mạnh và thế lực trong nước nổi dậy cũng dựa trên nguyên lý tổ chức “ban chỉ huy của chúng sẽ luôn phải đặt binh sĩ giữa cái chết có thể xảy ra trên chiến trường và cái chết không thể tránh khỏi ở hậu phương”. Chính cái sự khốc liệt của pháp hình mà người lính phải ra chiến trường đến chỗ chết. Lịch sử của chủ nghĩa cộng sản đã ghi danh những chiến thắng quân sự quan trọng: Liên Xô thắng phát xít Đức, Mao thắng Tưởng Giới Thạch, Việt Nam đánh bại Pháp-Mỹ,….
Lấy Việt Nam ra phân tích để thấy cái bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mac-Lê. Chủ nghĩa cộng sản đã thiết lập nền chính trị toàn trị độc đảng. Đảng nắm trong tay tất cả quyền sinh quyền sát, cả kế sinh nhai, cả truyền thông. Hãy xem tâm thế người lính miền Bắc cầm súng vào chiến trường miền nam. Họ bị tuyên truyền một hướng, kích động lòng yêu nước mù quáng. Người lính bị bịt mắt chỉ thấy một chiều, bị kích động xem cái chết nhẹ như không. Họ không thấy được tình hình toàn cảnh, không thấy được sự khốc liệt của chiến trường. Cả miền bắc chỉ nghe chiến thắng, không bao giờ nghe đến mất mát hi sinh. Đảng cầm quyền lạm dụng sự hy sinh nhân mạng của lính của dân. Nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch có ý nghĩa vô cùng nhỏ nhưng lượng nhân mạng lại quá lớn, ngay cả đối phương chiến thắng cũng phải khiếp sợ. Một ví dụ điển hình như trận đánh Kanak, hay thành cổ Quảng Trị. Giới lãnh đạo không phải có trách nhiệm trả lời với dân chúng về nhân mạng của lính, không có trách nhiệm trả lời các câu hỏi cháy lòng của hàng triệu bà mẹ: các ông đã làm gì với con tôi. Tướng lĩnh dùng sinh mạng lính để đạt mục đích của mình: chiến thắng và thăng quân hàm. Điều nghiệt ngã chưa dừng lại ở đó: ở hậu phương đảng nắm hết các nguồn sống, nếu ai chống lại thì cả nhà chết đói. Giới trí thức, văn nghệ sĩ số phận cũng không hơn (hãy đọc hồi ký một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải để biết thêm sự tàn bạo, nghiệt ngã). Xã hội lúc đó quá bần cùng, đói kém, vào quân đội là phúc lớn, được gửi thân, được ăn no, được mặc ấm. Hãy xem tình cảnh thê thảm của dân Triều Tiên và lực lượng quân đội của họ thì biết.
Trong điều kiện vậy thì cuộc chiến ở miền Nam dù Mỹ hay cả thế giới vào cũng phải thua. Sinh mạng binh lính không tiếc, không xót, súng đạn có Nga-Trung trao vào tay, thậm chí cơm gạo họ lo. Đàn bà phụ nữ hậu phương sinh đẻ, nuôi con lớn khôn dâng cho đảng mang ra chiến trường, 20 năm là thời gian đủ để con đỏ ẵm ngửa có thể cầm súng. Như vậy các lãnh đạo miền Bắc mới hùng hồn tuyên bố: chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm nhưng họ không sợ và họ tin vào chiến thắng cuối cùng. Rõ ràng là chủ nghĩa Mác-Lê đã tạo nên đầy đủ các điều kiện để bách chiến-bách thắng.
Chỉ có điều đáng buồn là nó bách chiến, bách thắng trong chiến tranh chứ không phải trong xây dựng kinh tế. Thực tế đã chứng minh chủ nghĩa Mác-Lê dùng để xây dựng kinh tế là thất bại hoàn toàn, kết quả chỉ đưa đến đói nghèo lạc hậu. Điều buồn thảm cho dân tộc Việt là nhiều người lại ngộ nhận nó bách chiến, bách thắng trong cả thời bình. Do ngộ nhận vậy nên họ ủng hộ, bám víu và giữ riết nó. Thật là thảm họa cho dân nước Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét