Trang

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Những vấn đề cơ bản

       Để thay đổi vận nước, cần thay đổi tư duy người dân vì việc cách mạng là việc của nhân dân. Có một thực tế hiện nay là nhiều người dân vẫn còn chưa biết rõ các phạm trù cơ bản: nhân dân, đất nước, dân tộc, chế độ, dân chủ, tự do,.....
Bài viết này ngõ hầu kiến giải những phạm trù trên theo góc nhìn đơn giản dễ hiểu nhất.
Mong nhận được sự hưởng ứng, trao đổi, luận bàn với bạn hữu.
                                                                                                         Trân trọng

                                                                                                K.s Nguyễn Văn Thạnh

     Vấn đề 1: 
YÊU NƯỚC HAY YÊU NHÀ
Tự nhiên con người phải yêu nhà trước yêu nước.
Chúng ta thường tự hào về lòng yêu nước và nói nhiều về nó. Lòng yêu nước là một động lực mạnh mẽ dẫn dắt dân tộc ta qua bao cuộc chiến tranh, đánh bại những kẻ thù hung bạo nhất: xưa với giặc Tàu; nay với giặc Tây. Điều này đã trở thành truyền thống thắm đỏ sử sách.
Từ khi thành lập 3/2/1930, ĐCS VN thật sự thiên tài trong việc khởi dậy sức mạnh vô song của lòng yêu nước. Với động lực là lòng yêu nước cộng với tàn bạo của kiểu quản lý độc tài, ĐCS đã dẫn dắt một dân tộc yếu kém trường chinh qua hai cuộc chiến tranh khủng khiếp, đối đầu với những kẻ thù hùng mạnh nhất thế kỷ về khoa học kỹ thuật. Kẻ thù đi trên không với máy bay, tên lửa, bom đạn, chúng ta đi dưới đất với dép lốp, gậy tầm vông và lòng yêu nước sắc son. Lòng yêu nước đã đưa hàng triệu thanh niên miền Bắc vào Nam với niềm tin giải phóng đất nước đang bị Mỹ xâm lăng. Lòng yêu nước đã đưa 13 cô gái mơn mởn tuổi xuân thì cùng chết với nhau ở Ngã Ba Đồng Lộc mà lòng thanh thản, không chút hoảng sợ. Lòng yêu nước đã thúc đẩy người dân nguyện hi sinh tất cả “xe chưa qua thì nhà không tiếc” và đỉnh cao là một người mẹ đã dâng hiến đến 13 người con cho chiến trường. Chặn đường yêu nước nồng nàn đó đánh dấu ngày kết thúc ở điểm 30/4/1975. Trên chặn đường đó, trên loa đài tuyên truyền chưa nghe một tiếng nói nào “yêu nhà” dù yếu ớt cất lên. Có lẽ một dân tộc nhỏ bé phải gồng mình “tất cả cho tiền tiến, tất cả cho chiến thắng” nên không ai được phép nghĩ đến cái riêng, cái cá nhân dù nó là chính đáng là bản ngã của con người.
Nếu sự “nồng nàn yêu nước” chỉ dừng ở cao trào đó, có lẽ dân tộc này không có tiết tấu bi thương hôm nay. Sau chiến thắng, ĐCS đã ghi vào cương lĩnh của họ rất nhiều giấc mơ để xây dựng đất nước “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta”. Họ xác định động lực chính để xây dựng đất nước là “chủ nghĩa yêu nước”. Đặt nó làm hạt nhân vận hành cho tất cả. Họ thiết kế bộ máy chính quyền, bộ máy kinh tế cho cả đất nước vận hành trên nguyên lý đó. Họ tin và tuyên truyền tuyệt đối về chủ nghĩa yêu nước với sức mạnh vô song: vì lòng yêu nước mà mọi cá nhân từ lãnh đạo cao nhất đến người dân thấp bé nhất luôn đặt lợi ích đất nước, lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân, hy sinh quyền lợi cá nhân. Vì yêu nước mà người Đảng viên nêu cao lý tưởng cách mạng hy sinh lợi ích riêng để phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc. Vì yêu nước mà người trí thức lao động hăng say cống hiến tài năng, chất xám mà không đòi hỏi. Vì yêu nước mà người dân miệt mài lao động để làm ra của cải cống hiến cho xã hội…Vì yêu nước mà ai ai cũng phấn đấu làm tốt vai trò, vị trí của mình. Một bức tranh họ vẽ ra hoàn hảo, thiên đường từ chiếc động cơ “chủ nghĩa yêu nước” và nó có vẻ logic, khoa học. Tư tưởng đó được hiện thực hóa trong tác phẩm nổi tiếng của vị cha già dân tộc “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Điều điên rồ khủng khiếp của một dân tộc 4.000 năm được một Đảng vài chục tuổi dẫn đường chính là đây. Bao nhiêu tai họa, bao nhiêu nghịch lý oan trái cho dân tộc cũng từ đây mà ra. Đây là sai lầm căn bản cho các sụp đổ, các tai họa có tính hệ thống như các bạn thấy trong bài viết “con người và những qui luật tự nhiên” và “Việt Nam-những sụp đổ đúng luật
Không ai có thể phủ nhận sự thiêng liêng và sức mạnh kỳ diệu của chủ nghĩa yêu nước nhưng cần đặt nó đúng vị trí.  Một thực tế là chủ nghĩa yêu nước đã bị hoàn cảnh chiến tranh đẩy lên đến cao trào và bị ĐCS bắt lấy, nắm giữ và lạm dụng. Nhân lúc nó lên cao, họ đã giữ lại, đánh bóng nó làm cho mọi người lóa mắt mà quên đi cái nền của nó. Cái nền của chủ nghĩa yêu nước chính là chủ nghĩa yêu gia đình. Lòng yêu nhà là cái nền của lòng yêu nước.
Chúng ta hãy nghe lời một vĩ nhân có trái tim nhân đạo cao cả-mẹ Teresa: khi nhận giải thưởng, bà đặt câu hỏi: “chúng ta có thể làm gì để thăng tiến nền hòa bình thế giới?” và tự bà đưa ra câu trả lời-thật giản dị và đầy nhân bản “hãy về nhà và yêu chính gia đình mình”. Hịch tướng sĩ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo viết lúc đất nước lâm nguy kêu gọi tướng lĩnh đánh giặc trước cũng là để bảo vệ gia đình, thái ấp, điền trang của chính họ. (Đức Thánh thật sáng suốt khi đánh vào cái mà tướng sĩ quan tâm nhất).
Một minh chứng hùng hồn gần đây là câu chuyện giáo sư Ngô Bảo Châu. Bố mẹ ông làm mọi cách, mọi khả năng trong hoàn cảnh đất nước thời bao cấp khốn đốn để ông có điều kiện học tốt nhất, rồi chạy vạy mọi đường gửi ông qua Pháp học. Khi công thành danh toại với giải “Nobel toán học” ông đã làm rạng rỡ non sông, đất nước, trí tuệ Việt. Dân tộc tự hào về ông, nhân dân ngưỡng mộ ông. Lãnh đạo “chăm sóc” ông, đánh bóng ông như là một thành quả của lòng yêu nước (hình ảnh Thủ tướng Dũng thắp hương cho Thủ tướng Đồng khi nghe tin GS Ngô đoạt giải Field). Giới cầm quyền tìm mọi cách: đưa rước, săn đón, truyền thông tên tuổi ông, đổ hàng trăm tỷ vào tay để ông xây dựng viện toán cao cấp, …họ cố gắng gắn cho ông tấm lòng yêu quê hương nhưng phần lớn dân chúng ít biết một điều: hiện nay GS Ngô sống tại Mỹ là chính và ông có quốc tịch Pháp.
Nhiều người cho rằng: “yêu nhà là điều thấp hèn, cục bộ, ích kỷ; ai cũng chăm chăm cái gia đình của mình thì đất nước đi về đâu?”. Nói vậy là mới thấy 1 mà chưa thấy 2. Người có trái tim yêu nhà, yêu gia đình nồng nàn họ biết rằng đất nước là gia đình lớn chi phối, bao trùm gia đình nhỏ của họ. Nước mất thì nhà tan, không chỉ gia đình mà những người yêu thương gần gũi cũng bị nạn từ dòng họ đến xóm giềng, bè bạn. Lòng yêu nước đẹp long lanh vì vượt qua được suy nghĩ nhỏ nhen trong phần lớn con người.
Viết bài này, tôi muốn một lần nữa khẳng định dứt khoát một điều: chủ nghĩa cá nhân, tình yêu thương gia đình là một thuộc tính tự nhiên vốn có của con người, không có gì xấu xa để dấu diếm, phớt lờ. Chính nó là cái nền vững chắc cho tình yêu nước, điều mà ta ca tụng. Trong nhiều sự sợ hãi mà ta thường thấy trong dân chúng: sợ bạo quyền, điều này thì hoàn toàn có thể hiểu được: từ đông hay tây bán cầu con người, ai cũng phải sợ trước bạo quyền nhưng chúng ta lại rất bất ngờ khi thấy rằng người dân chúng ta sợ nói lên tâm tư nguyện vọng của chính mình, sợ nói đến quyền lợi của chính mình. Họ sợ nói lên điều đó sẽ bị cộng đồng cho là xấu xa, bỉ ổi so với những giá trị cao đẹp (chủ nghĩa tập thể, lòng yêu nước). Đây thật sự là một cản trở rất lớn trên đường đất nước tiến lên để xây dựng một xã hội tự do, dân chủ tiến bộ. Bỡi vì như Roger Nash Baldwin nói: “chừng nào đất nước này vẫn còn những công dân sẵn sàng đấu tranh vì quyền lợi của họ, thì chúng ta còn được gọi là một nền dân chủ”.
Chỉ khi nào cả xã hội thừa nhận và nói với nhau cởi mở “yêu nhà trước yêu nước” thì ta mới vận hành bộ máy đất nước phù hợp với qui luật tư nhiên. Giấc mơ xây dựng đất nước tươi sáng, hùng cường mới có cơ hội thực hiện được.
Viết bài này, mục đích của tôi không phải để hạ thấp giá trị của lòng yêu nước hay nâng tầm sự ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân, mà tôi muốn bạn đọc nhận thức đúng đắn hơn vị trí giá trị của từng chủ nghĩa. Qua bài viết này tôi cũng muốn trao đổi bạn hữu về một góc nhìn, mà ở đó thấy sự sai lầm mang tính cơ bản-chính sai lầm này tạo ra những sai lầm khác mang tính hệ thống. Sai lầm đó là Đảng nắm quyền đã lý luận và đặt chủ nghĩa nghĩa yêu nước làm động lực để xây dựng đất nước. Điều này hoàn toàn sai. Ta thấy rõ như ban ngày dù là Tổng bí thư đạo mạo, nghiêm trang hay thủ tướng, chủ tịch nước vi hành đội mũ cối đi nữa thì ông cũng phải yêu nhà ông trước, lo cho vợ con, dòng họ ông trước. Điều đó giải thích vì sao quan thì giàu nức đố đổ vách, tham nhũng, mua quan bán chức tràn lan. Chuyện của quan như vậy, chuyện của dân thì lộn xộn không kém: mọi người điên loạn kinh doanh để có tiền dù thực phẩm bán ra cực kỳ độc hại, nhà máy xả thải tàn phá môi trường, sông ngòi, đất nước. Nếu toàn dân yêu nước sao lại khốn nạn đến vậy? Đó là do chúng ta đã thiết kế một hệ thống sai lầm nghiêm trọng (đặt lòng yêu nước trên lòng yêu nhà, chủ nghĩa tập thể trên chủ nghĩa cá nhân). Hệ thống này vận hành đã nghiền nát tất cả, tạo ra những điều tồi tệ trong xã hội-suy thoái và dối trá-bỡi vì trong hệ thống đó, con người buộc phải làm như vậy mới sinh tồn được. Hãy nhớ câu nói của Chí Phèo năm xưa “ta muốn làm người lương thiện, ai cho ta lương thiện”-bi kịch của một cá nhân sống trong một xã hội thối nát cùng cực, xuống cấp toàn diện
  Kết luận: Lòng yêu nước có cái gốc là lòng yêu gia đình! Chủ nghĩa tập thể có nền tảng từ chủ nghĩa cá nhân.
Vấn đề 2:  Nhân dân-đất nước-chế độ
Hiện nay có một suy nghĩ sai lầm là "yêu nước-yêu chế độ","yêu nước-yêu chủ nghĩa xã hội". Nhóm cầm quyền đã thâm độc khi gắn kết nhân dân, tổ quốc với chế độ hiện tại làm cho nhiều người nghĩ rằng mất chế độ là mất nước. Quan niệm vậy có đúng không? Mời quí đọc giả xem bài viết sau: (đang cập nhật).
Trong thời gian đợi bài xuất bản, kính mời quý bạn đọc tham khảo một bài viết của tác giả Đào Hiếu
Đất nước và nhân dân
Vấn đề 2: Nền dân chủ thật sự nằm ở đâu?

1 nhận xét:

  1. Ở đâu có dân chủ?May lắm thì phấn đấu dân chủ trong giới chóp bu.Cho nên từ Nhân Dân có nghĩa là Thế Thân.

    Toàn cầu hóa và dola hóa về cơ bản không còn từ đất nước.

    Khác nhau cơ bản giữa các dân tộc là ngôn ngữ nhưng ở đâu dùng tiếng Anh và lai giống mạnh thì ở đó khá hơn.

    Trả lờiXóa